Theo một nghiên cứu mới nhất, một khu dân cư sống trong tòa nhà cao tầng sẽ phát thải lượng CO2 nhiều hơn khoảng 140% so với một tòa nhà thấp tầng có cùng dân số.
Ở thành phố lớn, các nhà quy hoạch đô thị thường ca ngợi những khu phố sầm uất, đông dân cư và những tòa nhà cao tầng là mô hình hiệu quả và bền vững. Mật độ dân cư cao trên cùng một diện tích sẽ lãng phí ít không gian hơn, giảm phát thải do phương tiện giao thông và tối ưu hóa việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ.
Nhưng cao hơn và dày đặc hơn có thực sự tốt cho môi trường sinh thái? Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí npj Urban Sustainability, bằng cách nghiên cứu lượng phát thải khí nhà kính trong suốt vòng đời của quá trình phát triển đô thị, từ khâu sản xuất, vận chuyển vật liệu đến các công trường xây dựng, từ năng lượng cần thiết để sống và làm việc trong các tòa nhà theo thời gian, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát hiện ra rằng các thành phố cao tầng đang thực sự phát thải lượng CO2 nhiều hơn so với các khu vực đô thị thấp tầng (dù cho cả 2 vẫn có mật độ dân cư dày đặc).
Điển hình như Paris, hầu hết các tòa nhà ở Thủ đô của nước Pháp đều từ 5 hoặc 6 tầng, tạo ra tổng lượng khí thải ít hơn so với cả các khu ngoại ô và các thành phố chọc trời như Hồng Kông. Đó là điển hình cho 1 nền kinh tế Goldilocks với mô hình tăng trưởng với tốc độ không quá nhanh cũng không quá chậm, không quá nóng cũng không quá lạnh.
Francesco Pomponi, tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư tại Đại học Edinburgh Napier cho biết: “Chúng tôi luôn xem xét vấn đề từ góc độ xây dựng. Nếu bạn nhìn vào kết quả, các tòa nhà đã hoàn thiện và có rất nhiều dịch vụ được tích hợp, giúp cuộc sống của bạn thuận tiện hơn thì bạn sẽ rất thích điều đó. Nhưng khi nhìn vào bức tranh tổng thể, sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra, như việc xây các công trình cao tầng, bạn cần nhiều vật liệu hơn, tổng khối lượng công trình sẽ lớn hơn, nền móng cần chắc chắn hơn và vì nhiều lý do chính đáng như sự riêng tư, thông gió và ánh sáng ban ngày, các tòa nhà cao tầng cần phải cách xa nhau hơn và đôi khi cần cao hơn. Với diện tích đất cần thiết để xây dựng các tòa nhà cao tầng và việc sử dụng lượng lớn các vật liệu có phát thải CO2 cao như nhôm và thép thì các đô thị cao tầng sẽ có tổng lượng khí thải nhiều hơn khoảng 140% so với một khu vực thấp tầng giống như Paris (dù cho cả 2 có số dân như nhau).
Nghiên cứu đã so sánh lượng phát thải khí nhà kính của bốn loại đô thị, cả về yếu tố mật độ dân cư và chiều cao các tòa nhà. Sử dụng dữ liệu thực tế từ các thành phố ở châu Âu và phát triển một thuật toán để mô phỏng 5.000 khu vực đô thị với mật độ dân số và diện tích đất khác nhau, nghiên cứu đã chỉ ra các tòa nhà cao dưới 10 tầng, được xây dựng ở quy mô đô thị, thậm chí là mật độ cao như Paris, vẫn là lựa chọn tối ưu. Theo ông Pomponi, trong toàn bộ vòng đời của các tòa nhà, hoặc khoảng 60 năm, quy mô phát triển này sẽ phát thải khoảng 365 tấn CO2, ít hơn so với đô thị cao tầng có cùng mật độ. Mặc dù sẽ cần diện tích đất lớn hơn so với các đô thị cao tầng nhưng lượng khí thải carbon vẫn thấp hơn so với việc xây dựng các tòa nhà chọc trời. Các nghiên cứu trong tương lai sẽ bao gồm thêm tác động từ giao thông và các vấn đề khác.
Pomponi cho rằng những nghiên cứu này có thể rất quan trọng về vấn đề phát triển đô thị trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số mà vẫn giảm tác động xấu đến môi trường tự nhiên. Nơi ở của hầu hết dân số toàn cầu cho đến cuối thế kỷ này không phải ở châu Âu hay Hoa Kỳ mà là Châu Á, Trung Quốc, Ấn Độ và hầu hết các khu vực của Châu Phi. “Nếu chúng ta bắt đầu lập kế hoạch cho các đô thị thấp tầng, trong tương lai mật độ dân cư sẽ nhiều lên nhưng tốt nhất là vẫn giữ được ở quy mô thấp tầng sẽ giúp giảm đáng kể lượng phát thải CO2 toàn cầu. Điều quan trọng là phải bắt đầu đưa quy định này vào quy hoạch đô thị”.
Những phát hiện này không phải là một cơ sở để biến mọi thành phố trên thế giới thành phiên bản thứ 2 của Paris với dày đặc các tòa nhà 6, 7 tầng lặp đi lặp lại, nhưng Pomponi cho rằng điều quan trọng ở đây là cần hiểu sâu sắc về các tác động môi trường lâu dài của sự phát triển đô thị theo chiều dọc. Lúc đó chúng ta sẽ biết có nên cấp phép để xây dựng hay không.
Bạn không muốn các công trình trong thành phố quá giống nhau hoặc có chiều cao ngang nhau. Trừ khi bạn có một lý do thực sự chính đáng và bạn hiểu đúng về các tác động của nó thì hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ có một môi trường đáng sống hơn.
Kienviet.net
Dịch: Hoàng Anh | Nguồn: fastcompany
⤴️ CHIA SẺ & PHÁT TRIỂN 👍
CHÂN THÀNH CẢM ƠN CÁC Ý KIẾN & CHIA SẺ HỮU ÍCH CỦA BẠN
Pingback: Ý nghĩa nhân văn từ cây thốt nốt - Quản lý thiết kế kiến trúc
Pingback: Thiết kế Kiến trúc của thành phố tương lai mang bản sắc và giá trị cộng đồng. - Quản lý thiết kế kiến trúc